Đạo đức chính là phần cốt lõi sâu xa trong cá nhân mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Đạo đức của con người bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến lối sống, cách đối nhân xử thế. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất cần nhắc đến đầu tiên chính là lòng hiếu thảo. Bàn về lòng hiếu thảo là nói đến đạo chữ Hiếu trong nhân gian. Khổng Tử, bậc thầy vĩ đại của nền học thuyết Nho giáo đã từng nói “ Hiếu thảo là nguồn gốc của đạo đức”
Hiếu thảo là gì?
Hiếu tức là hiếu kính, tôn kính với những người đã có công sinh thành ra ta. Thảo chính là mở tấm lòng mình ra, biết chia ngọt sẻ bùi với người khác. Hiếu thảo chính là tôn kính, hiếu nghĩa và thể hiện tấm lòng thơm thảo của mình với đấng sinh thành, ông bà, bề trên trong gia đình. Hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn, không muộn phiền, ưu tư, sầu não.
Cha mẹ đã có công lao sinh thành, dưỡng dục lên ta, chắt chiu những thứ ngọt lành nhất để nuôi dưỡng ta. Sớm khuya chỉ bảo, dạy cho ta điều hay lẽ phải, dưỡng dục ta lên người.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Công lao của cha mẹ không bể trời nào sánh nổi, những người làm con như chúng ta có chăng chỉ tới lúc “sinh con ra” mới phần nào cảm nhận và thấu hiểu. Ca dao Việt Nam cũng đã từng ví von với những hình ảnh rất sống động, chân thực để qua đó, đưa ra bài học cho chúng ta về đạo làm con.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chả ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thế nhưng mấy ai ngấm được bài học ý nghĩa sâu sắc này! Khi thơ bé thì non nớt, chưa hiểu đạo lí nên thường khiến cha mẹ phiền muộn về những thói ngang ngạnh, cứng đầu. Trưởng thành rồi, cuộc đời bon chen, xô bồ, cuốn tâm trí ta vào giữa những vòng xoáy của cơm áo, gạo tiền rồi có khi vô tình không nghĩ tới cha mẹ già đang tựa cửa ngày đêm trông. Đồng quà tấm bánh, manh áo mang về cho mẹ cha mỗi dịp lễ tết cứ hay đó là thơm thảo, là hiếu kính rồi sau đó lại lao đi lao vội vã, mặc mẹ cha với những phiền muộn khi tuổi già xế bóng.
Cha mẹ chúng ta là những người luôn luôn tự hào về thành công của con cái. Thế nhưng bạn có biết giá trị của một người con được nhìn nhận không chỉ ở sự giỏi giang, giàu sang, quyền quý, mà nó chính là được thể hiện qua chữ “Hiếu” trong đạo làm con với cha mẹ.
Đạo làm con, đối với công đức sinh thành thì cần phải ghi lòng, tạc dạ. Hiếu nghĩa với cha mẹ không chỉ là cách trả ơn những bậc sinh thành ra chính mình mà còn là tấm gương sáng để bản thân mỗi người giáo dục cho con cháu thế hệ sau. Ông cha ta có câu “lớp sóng trước đổ đâu , lớp sóng sau đổ đó”, hiếu thảo cha mẹ ngày nay thì ngày sau ta mới nhận được lòng hiếu thảo từ con cái bởi đó là quy luật nhận quả của cuộc đời. Không những vậy, Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình , mang đến cho gia đình không khí tràn ngập tình yêu thương, sự kính trọng và lòng biết ơn.
Con cái dù trưởng thành vẫn mãi mãi còn bé bỏng trong vòng tay bao bọc, tình yêu thương “biển trời lai láng” của cha mẹ. Nhưng bạn cứ không thể cứ mãi ngây thơ và đón nhận chúng một cách vô điều kiện như thế được. Sống hiếu thảo, làm tròn đạo con cũng chính là cách giúp cho bản thân mỗi chúng ta trưởng thành hơn, nhìn nhận cuộc sống sâu sắc hơn chứ không hời hợt , sống không chỉ biết nhận mà cần phải biết cho đi, biết hi sinh. Từ đó mà bao đức tính tốt đẹp nảy sinh trong hành động, lối sống và cách suy nghĩ. Thiết nghĩ, “Hiếu thảo là nguồn gốc của mọi đạo đức” là vì lẽ đó.
Tử hiếu song thân lạc - Gia hòa vạn sự hưng
( Con cái hiếu thảo cha mẹ (đặng) vui vẻ; Gia đình hòa thuận mọi việc (đều) thành công)