Quan điểm Nho giáo rất xem trọng Lễ ( 禮 ) và cho nó đứng liền kề ngay sau với chữ Nhân (仁) trong đạo “Tam cang ngũ thường" mà bất cứ người người quân tử nào cũng phải rèn luyện, tu thân . Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người theo hoàn cảnh đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời. Chữ Lễ ở đây chính là để chỉ phép ứng xử lễ phép, đức độ trên kính dưới nhường trong đạo vua – tôi, cha – con, vợ - chồng, anh – em.
Trong tác phẩm Cổ học tinh hoa có đoạn viết rằng:
“Công Minh Tuyên theo học thầy Tăng Tử (người học trò ưu tú của Khổng Tử). Ở nhà thầy ba năm mà rất ít mấy khi đọc sách.
Thầy Tăng Tử hỏi: “Ngươi đến đây đã ba năm nhưng ta ít khi thấy người đọc sách và bàn thảo văn chương như các anh em là cớ tại sao?”. Công Minh Tuyên thưa: “Thưa thầy, con vẫn chăm học ở thầy. Thầy lúc nào cũng hiếu thuận với song thân. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay ai ai cũng đều bị thuyết phục. Ở triều đình, đối với kẻ dưới bề trên đều nghiêm nghị như nhau, trong lòng nhân từ, không có ý hại ai. Đây là ba điều con mãi đang học nhưng chưa làm tốt được…”.
Những điều Công Minh Tuyên nhắc tới trong đoạn vấn đáp với người thầy của mình chính là các phạm trù biểu hiện của phép tắc, lễ nghi trong ứng xử với người đời.
Đó chính là cái Lễ mà người thầy cần phải làm tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Ngoài ra, xét theo khía cạnh khác, nó cũng chính là những hình thức lễ nghi theo truyền thống đương thời, bao gồm cả nhiều lễ nghi rườm rà, tốn kém, nhưng lại không thể thiếu khi hành xử một việc gì đó được xem là quan trọng, để rồi nó trở thành một nét văn hóa của dân tộc.
Khi bàn về nhân cách, người ta có câu “Đức là gốc, Tài là ngọn”. Xét ở góc độ nào đó, khi mọi người cùng hiểu và giữ được chữ Lễ thì cũng chính là giữ được cái gốc!
Người hiểu Lễ, với trời đất biết tôn trọng các qui luật tự nhiên, với xã hội biết tôn trọng pháp luật, với gia đình biết đoàn kết thương yêu, với bạn bè biết gần gũi thân ái… Khi người người đều giữ được lễ thì trên dưới phân minh, trật tự được sắp xếp, kỷ cương được tôn trọng, lẽ tự nhiên cuộc sống thật chan hòa, bình yên và hạnh phúc. Đó chính là cái gốc mà con người cần phải giữ trong quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với gia đình.
Làm người không học Lễ
Tất không thể lập thân