Nguyên là bắt đầu, đán là buổi ban mai. Một năm mới tràn đầy hy vọng và những ước mơ đang đến khiến ta lại nhớ đến một câu thơ của Tố Hữu “ Thế là Xuân đến đó cùng ta. Hồn nhiên như bạn cũ vào nhà” bầu không khí của ngày Xuân Việt Nam bao giờ cũng vui tươi, thanh bình, nhẹ nhàng và đầy quyến rũ. Với thiên nhiên là ngàn hoa bừng nở, với con người là những nụ cười.
Đã từ xưa rồi, vẫn thế. Những gì khó khăn, vất vả của năm cũ như được dẹp hết, thanh toán hết để chào đón một năm mới hạnh phúc vào nhà. “ Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thẳng bần ra cửa. Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”
Trong sự cộng cảm, sự hòa hợp thiêng liêng của mùa Xuân thiên nhiên và mùa Xuân của lòng người, cùng với tấm lòng tưởng nhớ tổ tiên, ngày Tết là ngày hội thăng hoa của văn hóa Việt Nam, là ngày hội của con người hòa hợp với cộng đồng, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo.
Chưa đến Tết, nhưng sự chuẩn bi cho ngày Tết thì đã có từ trước đó vài ba tháng, thận chí cả nửa năm. Các nhà xuất bản lo biên soạn những cuốn lịch mới. Các sâ bay, nhà ga lo chuyện bán vé Tết cho hành khách. Và ngày Tết càng đến gần thì mấy tiếng “ Về quê ăn Tết” là những tiếng quen thuôc được nghe nhiều nhất. Những người làm ăn xa, những người Việt Nam ở nước ngoài đều thấy lòng mình náo nức. Quê hương là hồn nước nằm tĩnh lặng trong mỗi con người. Những người đã xa nhà, xa nước hàng mấy chục năm, trong giấc mơ của mình thường vẫn thấy hiện lên mái nhà xưa, con đường nhỏ và mùi hương của hoa Ngâu quen thuộc. Về quê ăn tết là về với ông bà, cha mẹ, về với những kỉ niệm ngày xưa thời bé, về với mảnh đất nơi đã sinh ra mình. Ngày Tết Việt Nam là ngày hội của sự đoàn tụ ấm cúng.
Với người Việt Nam thì giàu có cũng quý, hưng quý hơn là một chữ tình, tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em. “ Không có nhưng giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ/ Không giàu nhưng có, có làng, có xóm, có anh em”.
Trong ý niệm tâm linh của người Việt Nam ta, ai cũng muốn ngày Tết sẽ đem đến mọi sự tốt lành. Người ta chọn người khỏe manh, tài giỏi để xông nhà. Không kể người lớn, trẻ em cũng được, nhưng phải là những chú bé ngoan ngoãn, thông minh. Rồi giao thừa đi hái lộc, một cành xanh nhỏ mang về nhà với sự cầu mong phước lộc. Bên bàn thờ tổ tiên, một câu đối đỏ: “ Tân niên hạnh phúc bình an tiến. Xuân nhật vinh hoa phú quý lai”.
Người lớn đến trẻ em, năm mới đều diện quần áo mới, nhà của tranh hoàng đẹp đẽ đón Xuân. Không những từng nhà phải đẹp, mà làng xóm cũng phải đẹp, thành phố càng đẹp hơn.
Những hội hoa xuân mở ở khắp nơi. Hàng ngàn, hàng vạn những cành hoa, chậu hoa rực rỡ như một dòng sông đầy màu sắc chảy về những chợ hoa xuân, có đến những chợ hoa ấy, chúng ta mới thấy hết cái vui vẻ náo nhiệt, rộn rã lạ thường của nó. Cả một rừng đào, rừng mai, dãy quất vàng rồi hòng, cúc, lay ơn,..
Người Việt muốn đem cả thiên nhiên vào nhà mình. Ngày Tết, không nhà ai không có môt lọ hoa, một chậu hoa.
Ngày Tết Việt Nam còn coi trọng vẻ đẹpcủa tâm hồn, vẻ đẹp của cội nguồn văn hóa. Kiêng nói gở, nói tục, kiêng những lời nói thô lỗ, cục cằn.
Cuộc sống vón chẳng bình lặng và trong cuộc sống mưu sinh tránh sao khỏi những va vấp, xung đột. Nhưng bước sang năm mới muốn được gần gũi nhau, yêu trẻ kính già, tình làng nghĩa xóm và lòng người hình như cũng rộng mở hơn.
Ngày Tết Nguyên đán Việt Nam thật là tuyệt diệu, là vẻ đẹp của văn hóa Việt, đúng như một nhà thơ đã viết:
“Ai cũng hồn nhiên, ai cũng đẹp
Tết đem thân ái đến muôn nhà
Chuyện cũ dài dòng xin nhắc lại
Chúc nhau ngày Tết đẹp như hoa”
Ý kiến bạn đọc
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn